Tác phẩm trong sgk và tiền bản quyền
HOT!Đăng ký để nhận các mẹo soạn bài giảng eLearning mới nhấtBấm vào đây Nhận Seri iSpring Suite (soạn eLearning)

Tin hot

6/recent/ticker-posts

Header Ads Widget

Phương Phạm Blog-0905351899

Tác phẩm trong sgk và tiền bản quyền

  1. Hôm qua con trai một nhà văn gọi điện cho tôi đòi tiền tác quyền của bố mình (một nhà văn đã mất). Tôi hơi ngạc nhiên vì bạn ấy nói với một thái độ gay gắt, đại để: “Sách giáo khoa lấy tác phẩm của bố tôi thì phải trả tiền. SGK in số lượng lớn như thế nên phải trả theo tia-ra...”. Và bạn ấy nêu lên số tiền phải trả...

Tôi đành giải thích với bạn này và nhân đây cũng xin thông tin đến các nhà văn mà tôi rất quý mến để tránh được những hiểu nhầm không đáng có.

Thứ nhất, tôi là Chủ biên SGK cấp THCS và Tổng chủ biên sách Ngữ văn cấp THPT (bộ CD). Trong việc biên soạn, Chủ biên, Tổng chủ biên và tác giả sách chỉ lo lựa chọn tác phẩm, chịu trách nhiệm về nội dung, không liên quan đến việc trả tiền bản quyền cho tác phẩm mình chọn; việc ấy đã có bộ phận lo riêng. Các tác giả sách cũng không thể trao đổi thỏa thuận trước với nhà văn được, vì việc đề nghị chọn TP của tác giả sách chưa chắc đã được Hội đồng thẩm định và các phản biện độc lập đồng ý. Do đó chỉ khi nào sách được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt thì khi đó NXB mới tiến hành làm thủ tục xin phép sử dụng bản quyền từ nhà văn.

Thứ hai, tuy không liên quan, nhưng tôi cũng đã từng hỏi về tiền bản quyền các tác phẩm được tuyển vào SGK. Có mấy điểm cần thông tin lại như sau:

- Tác phẩm được tuyển vào SGK được hiểu là sách bắt buộc GV và HS phải có để dạy và học, tức mỗi môn chỉ có 1 cuốn (có thể 2 tập). SGK in theo đầu HS nên số lượng khá lớn; cần phân biệt với tác phẩm được chọn vào sách tham khảo (STK). Loại sách không bắt buộc HS phải mua, nên số lượng rất ít so với SGK.

- SGK là mặt hàng đặc biệt được Chính phủ quản lí và không chế, áp giá sao cho sách có giá rẻ nhất. Ví dụ 1 cuốn sách Ngữ văn lớp 11 ( bộ CD) với 163 trang khổ lớn (19 x 27cm), in 4 màu, chỉ được bán 25.000 đồng. Vì thế chế độ nhuận bút của SGK khác với các sách thông thường. Từ trước đến nay, nhuận bút của người biên soạn và tiền bản quyền của nhà văn có tác phẩm trong đó được quy định tính theo số tiết của CT, không được tính theo số lượng in (tirage). Ví dụ CT 2018 quy định cả năm lớp 7 học 140 tiết (35 tuần, mỗi tuần 4 tiết) thì tập thể biên soạn chỉ được tính nhuận bút 140 tiết; sách in 1 triệu bản hay vài ngàn bản cũng như nhau. Tương tự, tiền bản quyền cho các tác phẩm thơ văn (khoảng 40 văn bản mỗi lớp) đưa vào sách cũng chỉ tính theo tiết, thường là mỗi tác phẩm được tính từ 1-2 tiết.

- Riêng sách tham khảo (STK) thì tính theo số lượng in thực tế. Vì thế khi thấy tác phẩm của mình xuất hiện trong nhà trường, xin các nhà văn xem tác phẩm ấy có trong SGK hay STK. STK không phải là SGK, số lượng in rất ít, thường chỉ 2 hoặc 3 ngàn bản, không đáng kể, nhuận bút rất thấp.

Thứ ba, việc trả tiền bản quyền cho các nhà văn có tác phẩm chọn vào SGK là cần thiết, đúng luật sở hữu trí tuệ nhưng cũng rất phức tạp. Vì tác phẩm ngắn dài rất khác nhau và chất lượng cũng rất khó xác định. Không thể nói tác phẩm của nhà văn này hay hơn của nhà văn khác; cũng không thể nói bài thơ 4 câu kém hơn VB hàng trăm câu hoặc một truyện ngắn kém một trích đoạn tiểu thuyết...Vì thế việc trả tiền bản quyền chỉ dựa vào số tiết quy định dạy tác phẩm ấy và có chế độ chung cho tất cả các nhà văn.

2. Khác với CT truyền thống, CT Ngữ văn 2018 là CT mở nên có một lượng tác phẩm của rất nhiều nhà văn mới được sử dụng trong sách. Các tác phẩm tuyển chọn theo hướng này đã bổ sung cho văn học nhà trường nội dung khá phong phú, cập nhật với thành tựu văn học các thời kì; phù hợp hơn với tâm lý, lứa tuổi của HS... Tuy nhiên cũng không tránh khỏi những hệ lụy nhất định. Nhiều tác phẩm chưa được thử thách bởi thời gian, chưa được sàng lọc nên khó bảo đảm chất lượng. Tuy nhiên một khi đã vào SGK, vẫn là tác phẩm ấy thôi, nhưng số phận sẽ rất khác. Tác phẩm ấy sẽ có hàng triệu học sinh cả nước học, nhưng đồng thời cũng chịu nhiều sự kiểm soát, nhận xét, đánh giá rất chặt chẽ, khắc nghiệt...

Người biên soạn SGK có giàu được không? Xin cứ chia 140 tiết cho 8-10 tác giả. Trung bình mỗi người khoảng 14 tiết. Mỗi tiết hiện nay được trả 1,4 triệu có lẻ. Như thế 1 năm nếu biên soạn 10 tiết, bạn sẽ được hơn 14 triệu, chưa trừ thuế...

Với các nhà văn, người có nhiều tác phẩm được sử dụng trong nhà trường là TĐK, nhưng chắc chắn anh cũng không thể giàu vì tiền bản quyền. Có lần anh nói với tôi, đại ý: thơ mình làm ra các cháu học và thuộc đã là phần thưởng và nhuận bút lớn nhất rồi...

Tất cả các tác phẩm đưa vào SGK đều sử dụng lại văn bản đã được in trong ấn phẩm của các NXB. Nghĩa là tác giả ít nhất một lần đã được trả tiền nhuận bút. Nay vào SGK, đương nhiên vẫn phải có tiền tác quyền, nhưng vì tính chất đặc biệt của SGK phổ thông, mong các nhà văn có tác phẩm được chọn hiểu đúng, thông cảm và chia sẻ để sách Ngữ văn ngày càng hay hơn, đẹp và rẻ hơn, nhằm phục vụ các em HS tốt hơn.

Xin trân trọng cảm ơn.

HN 5/05/2024

Theo FB PGS.TS Đỗ Ngọc Thống

Đăng nhận xét

0 Nhận xét