Một giáo viên gửi tôi đề kiểm tra định kì, kèm đáp án và xin ý kiến. Đề văn như sau: “Bằng những hiểu biết của mình, em hãy viết bài văn thuyết minh giới thiệu lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh - nơi Bác đang an nghỉ vĩnh hằng nằm giữa thủ đô Hà Nội.”( hết đề)
Đề cho HS lớp 9, thời gian làm bài 90 phút. Tôi xem đáp án
thì thấy yêu cầu bài viết của HS cần nêu được rất nhiều số liệu, sự kiện, ngày
tháng... Ví dụ:
“- Có 24 phương án thiết kế lăng được chọn lựa và đem trưng
bày tại Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Sơn La và Nghệ An. 745.487 lượt người
đã tới thăm và 34.022 người tham gia ý kiến. Lăng được khởi công xây dựng vào
ngày 2 tháng 9 năm 1973 và khánh thành ngày 29 tháng 8 năm 1975.
- Vật liệu xây dựng được mang về từ nhiều miền trên cả
nước. Cát được lấy từ các con suối thuộc Xã Kim Tiến, Huyện Kim Bôi, Tỉnh Hòa
Bình; Thanh Xuyên, Thái Nguyên;... Nhân dân dọc dãy Trường Sơn còn gửi ra 16
loại gỗ quý...
- Lăng được thiết kế để có độ bền vững cao, chống được bom
đạn và động đất cường độ 7 richter. Lăng gồm có công trình trung tâm và 2 lễ
đài phụ hai bên.
- Lăng có bệ và 3 cấp nhỏ dần, cao 21,6 mét, chiều rộng
41,2 mét. Ở tam cấp của Lăng là Lễ đài chính có chỗ cho 70 - 100 người đứng dự
mít tinh.
- Xung quanh lăng là các khu vườn nơi hơn 250 loài thực
vật. Quảng trường trước Lăng có diện tích 2,8 ha chứa khoảng 10 đến 20 vạn
người. Quảng trường chia thành 168 ô vuông, mỗi ô 10 x10m. Giữa các ô cỏ là lối
đi rộng 1,4m. Từ khi khánh thành đến nay đã có hơn 60 triệu lượt người vào Lăng
viếng Bác.
- Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh mở cửa 5 ngày trong tuần, vào
các buổi sáng ( trừ thứ 2 và thứ 6. Mùa nóng (từ 1/4 đến 31/10): Từ 7h30 đến
10h30; mùa lạnh (từ 1/11 đến 31/3 năm sau): Từ 8h00 đến 11h00; ngày lễ, thứ
Bảy, Chủ nhật mở cửa thêm 30 phút...” ( hết phần lược trích đáp án)
SAU ĐÂY LÀ NHẬN XÉT CỦA TÔI:
1) Đề văn trên đây tiêu biểu cho một kiểu ra đề khá phổ
biến là: đề thì không sai, nhưng không làm được, kể cả với người ra đề. Đây
cũng là một ví dụ tiêu biểu để khuyến cáo GV cần lưu ý khi ra đề văn thuyết
minh.
2) Văn thuyết minh là một trong sáu kiểu văn bản được học
và rèn luyện kĩ năng viết trong CT (cả CT 2006 và 2018). Đây là kiểu bài rất
phổ biến và có ý nghĩa thực tiễn cao. Văn thuyết minh đòi hỏi phải nêu được rất
nhiều số liệu, sự kiện chính xác, những thông tin khách quan về sự vật hiện
tượng thì bài viết mới sinh động, hấp dẫn và đúng văn thuyết minh ... Các số
liệu, sự kiện ấy cần phải tra cứu, tìm hiểu kĩ từ các tài liệu, từ điển, sách
báo... thì mới có. Có rồi cũng không thể nhớ chính xác tất cả các số liệu, sự
kiện ấy được... Vì thế việc rèn luyện văn thuyết minh chủ yếu phải ra về nhà,
làm bài tập lớn, thực hiện dự án học tập... để HS có thời gian và phương tiện
tra cứu, thu thập tư liệu (số liệu, tranh ảnh, bản đồ, bảng biểu...) thì mới
viết được bài. Đáp án nêu trên chỉ có thể lấy từ các bài viết chuyên nghiệp đã
có về lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
3) Trong việc ra đánh giá định kì nếu ra đề về văn thuyết
minh, GV cần cân nhắc đối tượng thuyết minh để nêu yêu cầu cho phù hợp và khả
thi. Với những đối tượng thuyết minh cần những số liệu, sự kiện cụ thể như kiểu
đề văn nêu trên, vẫn có thể ra đề, nhưng trong đề cần cho sẵn các số liệu, sự
kiện cụ thể. Các số liệu, sự kiện trong đề được nêu không theo một thứ tự nào,
chỉ thuần túy cung cấp thông tin, từ đó yêu cầu HS lựa chọn để trình bày theo
một cách thức và bố cục phù hợp với bài văn thuyết minh. Đề văn thuyết minh
theo kiểu này sẽ có 2 phần:
- Phần dẫn (có thể khá dài): nêu các số liệu, sự kiện, tư
liệu... về đối tượng cần thuyết minh ( ngôi chùa, di tích lịch sử, danh lam
thắng cảnh,...);
- Phần lệnh: từ các dữ kiện đã cho kết hợp với hiểu biết cá
nhân, em hãy viết bài văn thuyết minh về...
Người xưa thường nói: “xuất đối dị, đối đối nan”. Ra đề
cũng tương tự như vậy. Một số GV chưa nghĩ kĩ, hoặc muốn tạo sự khác lạ, muốn
thể hiện sự uyên bác, khoe chữ... nên cứ thế ra đề. Câu chữ rất “oai” nhưng
người ra đề chưa hình dung hết cái khó khi phải viết, ngay cả với chính mình.
Vì thế khi ra đề, GV cần nhập vai HS, nghĩ ngay đến lời giải, làm ngay đáp án,
thậm chí nếu cần hãy viết thử bài văn trước khi yêu cầu HS làm. Rất nhiều đề
văn sẽ phải sửa lại sau khi soạn đáp án.
15/06/2024
Theo FB PGS.TS Đỗ Ngọc Thống
0 Nhận xét
Xin vui lòng bình luận bài viết bằng tiếng Việt có dấu. Xin cảm ơn!