Cách đây 10 năm, khi con đang theo học Đại học tổng hợp
mang tên Goethe tại Frankfurt - một thành phố lớn của Đức, cửa ngõ vào châu Âu,
ba đã viết ít dòng nhan đề “Mai là con tròn 20 tuổi”; trong đó đoạn:
“20 tuổi ba chỉ biết từ
Thanh Hóa vào Vinh rồi lại từ Vinh ra Thanh Hóa. Hà Nội khi đó chỉ là thủ đô
trong tranh ảnh thỉnh thoảng ngắm nhìn, nói chi đến những vùng đất xa xôi… 20
tuổi con đã đặt dấu chân lên nhiều xứ sở, đã từng ngắm thành Rôm trong nắng
chiều vàng, trèo lên tháp Eiffel ở Paris tráng lệ, đến Thượng Hải thăm sông
Hoàng Phố và tới Bắc Kinh leo Vạn Lý Trường Thành. Con cũng đã từng sờ tận tay
tượng đài sư tử nơi Quốc đảo Sing, vào viếng Hoàng cung ở thủ đô Bangkok, đến
đất Phù Tang ngắm núi Phú Sĩ quanh năm tuyết phủ và thăm các ngôi chùa Nhật Bản
u tịch, thâm nghiêm…20 tuổi ba chen chúc đứng ngồi trong những toa tàu tăng
chuyến (vốn để chở than đen) mỗi khi tết đến được về nhà, chỉ hơn 100 cây số có
khi phải đi mất mấy ngày trời… 20 tuổi con về nghỉ tết, cưỡi Boeing bay trên
chín tầng mây, từ Frankfurt tới Hà Nội 1,2 vạn cây số, chỉ hơn 10 tiếng đã có
mặt ở nhà... 20 tuổi dù sống xa nhà vạn dặm, nhưng mỗi khi cần con chỉ nhấp vào
phone là gặp được mẹ ngay, nghe cả giọng và thấy cả hình, cứ như con đang ở
ngay bên cạnh... Còn ba lúc 20 tuổi, viết lá thư tay, mực bút lòe nhòe, gửi qua
bưu điện có khi mấy tuần, vài tháng mới có hồi âm…”
Nhoắng cái đã 10 năm
trôi qua. Con đã tốt nghiệp ĐH, đã và đang làm IT cho một công ty lớn tại châu
Âu, đã đủ lương trang trải cho cuộc sống của chính mình. Ba mẹ không phải lo gì
về kinh tế và nhiều thứ khác cho con nữa. Ba luôn tin tưởng vào năng lực và
trình độ cũng như phẩm chất và nhân cách của con. Càng yên tâm hơn khi con sống
tại một đất nước mà luật pháp và sự công bằng, trung thực được đặt lên hàng đầu
đúng nghĩa. Nơi mỗi người phải chứng minh bằng chính năng lực thực sự của mình.
Ba cứ hình dung, nếu ở trong nước, với tính tình lặng lẽ, kiệm lời như con thì
rất dễ sẽ thua thiệt đủ điều. Ít nhất là thua bọn “nhanh miệng, khéo mồm”,“vào
luồn ra cúi”. Ba đã chứng kiến trong nhiều công việc ở ta, có kẻ chẳng làm gì,
chỉ giỏi bốc phét, nịnh nọt lãnh đạo... thế mà được đề cao, hưởng lợi lộc đủ
đầy; có khi còn được cả huân/huy chương, bằng khen nữa...
Con đã có hơn 10 năm học
tập, sống và làm việc ở Cộng hòa liên bang Đức. Ba không khuyên con về nước hay
ở lại xứ người, vì ba không thể sống thay cuộc đời của con được. Con hãy cứ ở
nơi nào con thấy thoải mái, được đối xử công bằng, được tôn trọng và được làm
người thực sự. Yêu quê hương đất nước cũng có thể bằng nhiều cách khác nhau.
Con hãy làm tốt nhất công việc của mình được giao để bạn bè, cộng sự các nước
khác đều quý mến và cảm phục năng lực thực sự của con; để họ thấy người VN có
tài, làm việc có hiệu quả và có tâm hồn trong sáng, trung thực,... Thế là con
đã yêu nước rồi.
Hôm nay con tròn 29, đã
bước vào tuổi 30 (theo âm lịch). Chưa già, đương nhiên, nhưng cũng không còn
trẻ như hồi 20 nữa. Khổng Tử nói “tam thập nhi lập” với ý: 30 tuổi thì tự lập,
gây dựng sự nghiệp cho mình, có khả năng nuôi sống bản thân và xác lập một vị
trí nhất định của mình trong xã hội... Ba nghĩ con đã đủ tư cách ấy. Đã là
người trưởng thành. Nhiều hiểu biết và năng lực đã vượt trội hơn ba...Nhưng
“con dù lớn vẫn là con của mẹ”. Mà với mẹ, 30 tuổi, chưa có vợ thì vẫn là chưa
thành người lớn. Nghĩa là mẹ luôn mong mỏi con có một gia đình nhỏ của riêng
mình. Con đã là người yêu nước, nay chỉ cần có vợ nữa là thành người yêu mẹ,
yêu gia đình.
Mình là người bình
thường nên hãy sống cuộc sống của những người bình thường, cứ thuận theo quy
luật tự nhiên đã có muôn đời con nhé. Nhân sinh nhật, ba chúc con luôn mạnh
khỏe, chân cứng đá mềm để đi tiếp chặng đường dài phía trước...
Hà Nội, 07-04-2024
0 Nhận xét
Xin vui lòng bình luận bài viết bằng tiếng Việt có dấu. Xin cảm ơn!