Dạy viết đoạn nghị luận Văn học
HOT!Đăng ký để nhận các mẹo soạn bài giảng eLearning mới nhấtBấm vào đây Nhận Seri iSpring Suite (soạn eLearning)

Tin hot

6/recent/ticker-posts

Header Ads Widget

Phương Phạm Blog-0905351899

Dạy viết đoạn nghị luận Văn học

Trong yêu cầu và định dạng, cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT từ 2025 của Bộ GD&ĐT, câu đọc hiểu và nghị luận xã hội chỉ là kế thừa các kì thi từ 2015 đã có. Đổi mới lớn nhất là yêu cầu viết đoạn, bài nghị luận văn học (NLVH) với ngữ liệu mới. Mục đích của việc đổi mới này là chống kiểu dạy và học theo hướng thuộc lòng và chép văn mẫu; phát huy được những suy nghĩ riêng của mỗi học sinh, khuyến khích các em tự làm ra bài văn của chính mình, thể hiện suy nghĩ một cách trung thực....do đó đánh giá được năng lực viết công bằng, khách quan hơn. Chính vì vậy, GV cần chú ý dạy cho HS biết cách viết đoạn/ bài NLVH, từ đó rèn luyện để viết được kiểu bài này một cách thuần thục.

1. Với CT 2018, viết NLVH được đặt ra từ lớp 6 với yêu cầu rất đơn giản: viết đoạn văn ghi lại cảm xúc của mình sau khi đọc một bài thơ lục bát. Lên lớp 7 cũng chỉ yêu cầu: Bước đầu biết viết bài phân tích đặc điểm nhân vật trong một tác phẩm văn học. Lớp 8, các em bắt đầu rèn luyện viết bài phân tích một tác phẩm văn học với yêu cầu: nêu được chủ đề; dẫn ra và phân tích được tác dụng của một vài nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật. Lớp 9: tiếp tục rèn luyện viết bài phân tích một tác phẩm văn học với yêu cầu cao hơn: phân tích nội dung chủ đề, những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của tác phẩm và hiệu quả thẩm mĩ của nó.
Với cấp THPT, yêu cầu viết NLVH tập trung vào kiểu bài phân tích, đánh giá một tác phẩm văn học ( lớp 10); lên lớp 11 mở rộng ra viết bài nghị luận về một tác phẩm văn học hoặc một bộ phim, bài hát, bức tranh, pho tượng. Cuối cùng lớp 12 tập trung chủ yếu vào kiểu bài nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm văn học.
Như thế kiểu bài so sánh 2 tác phẩm ở lớp 12 sẽ là 1 trọng tâm của yêu cầu viết, tuy nhiên trong rèn luyện và kiểm tra, đánh giá không phải chỉ mình kiểu bài so sánh, HS vẫn phải làm kiểu bài phân tích, đánh giá tác phẩm văn học gắn với các thể loại được học.
2. Trong quá trình học cũng như trong cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT đều nêu lên 2 yêu cầu: viết đoạn và viết bài văn. Viết bài văn đã khá quen thuộc với GV và HS, ở đây chỉ nêu cách dạy viết đoạn văn cho cả cấp THCS và THPT.
Đoạn văn là đơn vị cơ bản tạo nên bài văn. Bài văn có nhiều đoạn; mỗi đoạn văn hoàn chỉnh được cấu trúc 3 phần như một bài văn nhỏ: có mở đầu đoạn, phát triển đoạn và kết thúc đoạn. Mở đầu đoạn thường là câu chủ đề, nêu ý chính của đoạn văn ấy. Phần thân đoạn là các câu phát triển cụ thể ý chính đã nêu ở mở đầu; phần kết đoạn tóm lại ý của cả đoạn. Chẳng hạn đoạn văn sau: “Nhưng thử nghĩ mà xem, con người không biết sợ cái gì trên đời này cả, liệu có phải là con người không? Cái gì cũng “vô uý”, cũng tỏ thái độ sắt thép, nghĩa là không biết mềm lòng trước bất cứ một cái gì, đấy là loài quỷ sứ chứ đâu phải là người! “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân dạy cho người ta hiểu rằng, muốn nên người, phải biết kính sợ ba điều này: cái tài, cái đẹp và cái thiên tính tốt của con người (thiên lương). Vậy, kẻ nào không biết sợ cái gì hết, đó là loài quỷ sứ. Loại người này, thực ra rất hiếm hoi, hay nói đúng hơn, không thể có được. Nhưng loại người sau đây thì chắc không ít: sợ rất nhiều thứ, nhất là quyền thế và đồng tiền, nhưng đối với cái tài, cái đẹp, cái thiên lương thì lại không biết sợ, thậm chí sẵn sàng lăng mạ, giày xéo. Đấy là hạng người hèn hạ nhất, thô bỉ nhất, đồi bại nhất.” ( Nguyễn Đăng Mạnh- “Lại đọc chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân).
Trong đoạn văn trên, câu mở đầu nêu vấn đề dưới dạng câu hỏi: “Nhưng thử nghĩ mà xem, con người không biết sợ cái gì trên đời này cả, liệu có phải là con người không?”; các câu tiếp theo phát triển vấn đề và kết đoạn gói lại bằng 1 câu khẳng định: “Đấy là hạng người hèn hạ nhất, thô bỉ nhất, đồi bại nhất.”.
Tất nhiên không phải đoạn văn nào cũng có cấu trúc 3 phần như thế mà thực tế đoạn văn được viết khá linh hoạt: có thể theo đoạn quy nạp hoặc diễn dịch… Tuy nhiên khi dạy cho HS cách viết, GV nên tập cho các em viết đoạn theo 3 phần ( dạng tổng phân hợp) như thế. Đấy không chỉ là luyện cách viết mà còn rèn luyện tư duy rõ ràng, khúc triết. Câu mở đầu nêu ý chính ( câu chủ đề) thường được nêu như một nhận xét, ý kiến về vấn đề, chẳng hạn: “Tác phẩm mở đầu bằng một tình huống độc đáo.”. Sau đó các câu phát triển đoạn phải tập trung làm rõ cho câu chủ đề bằng các ý: Tình huống ấy là thế nào (giới thiệu, mô tả tình huống truyện)? Tại sao tình huống ấy lại độc đáo (lí giải sự độc đáo của tình huống)?... Và cuối cùng cần kết lại đoạn văn bằng một câu khái quát: Tình huống ấy có giá trị hoặc tác dụng gì (đánh giá tình huống)?
Để luyện tập viết đoạn văn, GV cần chuẩn bị nhiều dạng bài tập; chẳng hạn đây là một số dạng: a) Nêu câu chủ đề (ý chính), yêu cầu HS viết các phát triển và câu kết thúc; b) Cho các câu phát triển, yêu cầu HS viết câu mở đầu và câu kết thúc. Cho câu kết thúc và câu mở đầu, yêu cầu HS viết các câu phát triển...
Rèn luyện cho HS cách viết đoạn văn rất quan trọng trong việc hình thành năng lực viết cả về nội dung, cách lập luận và tổ chức ý. Trong bối cảnh không có nhiều thời gian, phải viết ngắn gọn , chỉ cần yêu cầu viết 1 đoạn văn cũng có thể đánh giá được tư duy và cách viết của mỗi HS.
HN 5/03/2024
Ảnh: Nguyễn Đăng Thanh
Theo FB PGS.TS Đỗ Ngọc Thống

Đăng nhận xét

0 Nhận xét